Mới nhất

Blog Radio 272: Tết và hạnh phúc sum vầy

By phantuanduy - Saturday, March 2, 2013 1 Comment




Nó đẩy cửa bước vào, những nụ cười, tiếng đón chào rộn rã… Đó là Hạnh Phúc của Sự Sum Vầy. Xuân đã về, Tết đã tới!
Blog Radio
  • Mẹ ơi! Tết này con không về
Lời tựa: “Với những người xa quê, thì nỗi buồn lớn nhất là không được về nhà vào dịp tết. Tết đối với người Việt Nam là dịp mọi người sum họp, đoàn tụ bên gia đình, bạn bè. Tết ở xứ sở Kim Chi tuy có giống bên Việt Nam nhưng lại không quan trọng và ý nghĩa bằng. Hòa chung với không khí đón xuân của các du học sinh là nỗi nhớ nhà, nhớ bạn bè và với mình là nhớ mẹ, nhớ những kỉ niệm thời ấu thơ khi tết về. Mình xin chia sẻ với các thính giả những tâm sự và qua đây mình muốn gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến cha mẹ, bạn bè và các thính giả blogradio một năm mới nhiều niêm vui, sức khỏe, may mắn và hạnh phúc…”

“Con biết xuân này mẹ chờ tin con
Khi thấy mai đào nở vàng bên nương”
 
Một mùa xuân nữa lại đến rồi. Những ngày này chắc hẳn bên Việt Nam lạnh và chợ Tết tấp nập, vui nhộn lắm phải không mẹ? Nhiều lúc con thèm được cái cảm giác giá buốt nơi đầu ngón tay trong những ngày mẹ đi cấy, thèm những bữa cơm đạm bạc nhưng đầm ấm bên bếp lửa mùa đông những lúc xế chiều, thèm nghe tiếng gọi của mẹ, nhớ lắm mẹ ơi!
 
Xuân này con không về, không được cùng mẹ trang hoàng nhà cửa, không được chở mẹ đi chợ tết, mua quất, không được gói bánh chưng giúp mẹ, không được cùng bố đi chọn những cành đào trên nương để cắm vào lọ lục bình ngày tết. Con biết bố mẹ và mọi người ở nhà sẽ nhớ con nhiều lắm! Tết này nhà mình đã có thêm thành viên mới, mẹ sẽ đỡ vất vả hơn khi phải chuẩn bị tết. Bữa cơm gia đình cũng đầm ấm hơn vì có bàn tay chuẩn bị của hai người phụ nữ phải không mẹ. Đại gia đình nhà mình năm nay chắc vui lắm đây mẹ nhỉ. Mấy đứa trẻ con sẽ thi nhau bi bô, cười đùa với quần áo mới. Con thích nhất là cảnh mấy đứa nó líu ríu nhau khi đi chúc tết, đứa nào cũng đáng yêu với quần áo đẹp, với phong bao lì xì và những đôi má hồng.

Tết về! Là cái khoảnh khắc Xuân sang, là lúc đất trời chuyển mình. Và một năm nữa đã qua đi. Mưa phùn nhè nhẹ rơi, không có cái mùi ngai ngái như những cơn mưa đầu hạ, nhưng chứa chan trong đó cái ngọt mát riêng của một mùa Xuân đang tới. Tết về làm con nhớ đến những ngày thơ ấu, cái thủa còn cắp sách đến trường chỉ mong ngày tết để được đi chơi, đi sắm tết, đi xem hội xuân.

Tết về làm con nhớ đến cảnh làng xóm dường như rộn ràng hơn, nhộn nhịp hơn với tiếng bước chân người chuẩn bị hàng đi chợ tết, rồi đến những tiếng í ới rủ nhau đi chợ xuân, đến những tiếng rao, thớt lách cách vang lên nhộn nhịp như một bản hòa tấu ngày xuân mới bắt đầu.


Con nhớ những ngày giáp tết, được đi chợ xuân, được ngắm hoa huệ nở sớm, những cành đào, những chậu mai vươn mình thức dậy sau giá lạnh mùa Đông. Con nhớ những gánh hàng rong ngày tết sặc sỡ nhiều màu, những con tò hè, những trái bóng bay đến những hàng bánh nóng hổi. Con nhớ hàng rau, những hàng cá, nhớ đến những người mẹ, những người chị tất bật mưu sinh những ngày cuối năm. Chợ tàn nhưng đâu đó vẫn vảng vất sót lại bóng dáng ai đó bên gánh rau ngày cuối năm khi nắng chiều vội vã đi qua.

“Giọt nắng vàng rơi, rơi bên chợ chiều
Giọt nắng vội vã trôi nhanh như đời người
Dáng mẹ tôi lieu xiêu chợ chiếu
Bóng mẹ tôi gầy hao trong chợ đời”

Tết về làm con lại nhớ đến bếp lửa hồng với nồi bánh chưng đang bốc khói nghi ngút. Những chiếc bánh chưng nóng hổi, những củ khoai, sắn nướng thơm phức được vui vào bếp khi trông nồi bánh cho mẹ và con biết rằng năm nay mẹ sẽ lại phải thức một mình để trông nồi bánh. Con nhớ những ngày mồng một đầu năm mới cùng mẹ làm nấu xôi, nấu chè và làm thịt gà cúng ông bà tổ tiên, nhớ đến cảm giác khi mà 7h sang chạy ra đường vẫn chưa có ai, được tận hưởng không khi vắng lặng, được ngắm những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, những con đường quanh co lặng lẽ trong nắng sớm, những mái nhà tranh lấm tấm vàng làm cho con liên tưởng đến những câu thơ trong bài “mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử: “Trong nàn nắng ửng khói mơ tan. Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng. Sột soạt gió trêu tà áo biếc. Trên giàn thiên lý bóng xuân sang”.

Tết đến, Xuân về với bao người là niềm vui, là hạnh phúc nhưng với con nó lại kèm theo cả một chút nỗi buồn đang xâm lấn. Bởi con biết rằng cứ mỗi mùa Xuân đến là mẹ lại thêm một tuổi, là mẹ lại già đi, tóc mẹ lại bạc thêm, là những ngày tháng con được ở bên mẹ bị ngắn lại, sức khỏe và tuối xuân của mẹ lại bị mùa Xuân mang đi mất, là chữ hiếu của con chưa tròn, làm nỗi buồn trong dâng đầy khi tết này con không được ở bên mẹ. Tết về làm cho con thấy sợ mùa Xuân, sợ những ngày tháng nhẫn lại trôi qua nhanh quá và con cầu chúc cho bố mẹ luôn mạnh khỏe khi mùa Xuân này con không có nhà.
 
Mẹ biết không con rất sợ mùa xuân
Khoác tấm áo thời gian lên tuổi trẻ
Mai nở vàng bao lần con trách khẽ
Cánh én nào về lặng lẽ héo lòng con

Mùa xuân đẹp làm đầy mảnh trăng non
Con lại sợ chẳng tròn câu hiếu thảo
Khi sức khoẻ mẹ mùa xuân đã cướp ráo
Bỏ lại là... phiền muộn với nỗi đau

Mùa xuân vô tình, hời hợt biết bao
Trút lên vai những nhọc nhằn mẹ gánh
Chợ đời xa nên thân cò mỏi cánh
Chỉ mong sao con lành mạnh hơn người

Nhưng mẹ ơi, con chẳng thể vui cười
Khi mùa xuân lại về trên tóc mẹ
Dẫu thế gian cho rằng xuân tươi trẻ
Còn với con xuân bạc trắng như vôi

Mẹ biết không con sợ phận mồ côi
Phía chân đồi rồi hoàng hôn sẽ lặn
Mùa xuân nhẫn tâm đem mẹ làm quà tặng
Cho cát bụi mây trời, cho hoang vắng thời gian

Con sợ lắm, sợ mùa xuân sẽ mang
Những muộn màng con chưa một lần đền đáp
Nhuộm thời gian làm tóc mẹ bạc màu

  •    Gửi từ Phạm Ngọc Giao - Korea

  • Tôi yêu ngày Tết quê tôi!

Một mùa xuân nữa sắp về - rồi một mùa xuân lại qua đi
Lòng người như ngập tràn trong niềm vui mới – rồi đời người lại ngậm ngùi qua đi
Nhưng sẽ còn mãi những giây phút nồng nàn và những ký ức lắng đọng nơi trái tim mỗi người!

Tôi yêu ngày Tết quê tôi!
Yêu cái âm hưởng của phút giao mùa
Yêu những màn pháo hoa sáng lóa, rạo rực lòng người
Yêu giây phút thiên nhiên, đất trời, con người hòa quyện trong niềm hân hoan đón chào năm mới
Yêu cái khoảnh khắc thời gian trôi qua nhưng yêu thương như không hề thay đổi!

Tôi yêu mùa xuân xanh mơn mởn trên từng ruộng mạ
Yêu màu rực rỡ của chợ hoa ngày Tết
Yêu sự mạnh mẽ vươn mình của những chồi non!

Tôi yêu những gánh lá dong ngày giáp Tết
Yêu các bà các cô tấp nập gạo đỗ gói bánh chưng
Yêu cả các em nhỏ xúng xính trong quần áo mới.
 
Tôi yêu…!

Mùa xuân lại về rồi mẹ ạ!

Mấy ngày này đi đường mọi người náo nhiệt quá, nhà nhà, người người dần đua nhau sắm Tết. Nhà mình chẳng cần sắm như vậy đâu mẹ nhỉ, con không cần đồ mới, không cần những gì trang hoàng lộng lẫy, con chỉ cần một cái Tết như bao năm, đậm đà, đầm ấm và rộn ràng!

Mẹ ơi, con yêu ngày Tết lắm! yêu cái không khí ngày 30 bố cùng các chú mổ con lợn còi làm món ăn chủ đạo trong mấy ngày Tết. Con chẳng thích ăn thịt lợn nhưng con lại thích cảnh được cầm cái đuôi lợn dung dăng khắp xóm, cứ như vậy con thấy mình vẫn vô tư và ngơ dại như ngày nào, vẫn hớn hở như những ngày là “cái Tí” của mẹ.

Năm nay nhà mình sẽ lại gói bánh mẹ nhỉ, con cũng sẽ bon chen làm “thợ gói” nữa nhé! Nhớ mấy năm về trước ông luôn làm “đạo diễn”, bố mẹ với con chỉ làm chân sai vặt, vậy mà “mấy cái mùa xuân” qua, ông đã làm “khán giả” để cổ vũ bố con mình “múa bánh”. “Thợ bố - thợ mẹ - thợ con” cùng nhau chung sức tuy bánh không vuông và đẹp nhưng nhân vẫn rất đậm đà, ngon như bánh ông gói, đó là món bánh ngon nhất mà con từng được ăn, mặn mà và ấm áp lắm!
 
Con nhớ những đêm bố con ngồi trông nồi luộc bánh, hình ảnh của bố như “người gác cổng” trong phim Thor, vững chãi và chắc chắn bao nhiêu, thì bên kia con lúc hớn hở, hát hò rồi lại ngủ gật từ bao giờ chẳng biết. Biết là như thế nhưng năm nào con cũng xung phong trông bánh, để rồi bố vẫn phải thấp thỏm dõi theo. Con tự nhủ tới khi nào con mới làm bố mẹ yên tâm?!

Con thích nhất đêm 30,  bố mổ thịt gà cúng giao thừa còn con đảm nhiệm nồi xôi. Cứ đùa với mẹ rằng “con nấu xôi ngon thế nhỡ sau này thất nghiệp mẹ sắm cho con cái chõ nhé, con ra bán xôi ở cổng trường. hì hì”. Nói trước thế có vận vào người không mẹ? ra trường nửa năm rồi mà con vẫn “sung sướng được ở nhà với mẹ”. Nhưng so với bốn năm xa nhà, chút thời gian đó chẳng thấm vào đâu, con có nên cám ơn cuộc đời vì đã cho con được ở bên gia đình nhiều hơn những bạn khác?! Mỗi giây phút qua đi con lại nhận ra nhiều điều, con thấy tiếc nuối những gì mà mình đã bỏ lỡ, điều đó càng làm con thêm yêu cuộc sống hiện tại hơn, con trân trọng và thỏa mãn với những gì mình đang có và con cũng không quên nhiệm vụ cố gắng hết sức mình để mọi thứ tốt đẹp hơn.

Bao lâu rồi con cũng không nhớ nữa, chỉ biết rằng mỗi năm khi gần tới giao thừa mấy bố con lại bê mâm lễ xôi - gà - rượu ra Đình làng thắp hương, ở đó có các ông, các bà, chú bác… đông vui quá bố nhỉ! Giây phút đón giao thừa cùng xóm làng tại một nơi thanh cao và linh thiêng như thế con cảm thấy cuộc sống thật an bình. Con thầm cám ơn và nguyện cầu đất trời sẽ lại ban cho làng ta một năm mới an lành và đầm ấm!

Khi tiếng trống Đình vang lên, một năm mới đã về, người người ngập tràn trong niềm hân hoan và những lời chúc tụng ý nghĩa nhất. Con lại hí hửng nhận lộc mà các cụ mừng tuổi năm mới, con nhận lộc cho ông bà, cho bố mẹ, cho chúng con và cả Nghé bé với Mèo Chii nữa. Con mong những chiếc kẹo này sẽ mang lại sức khỏe cho ông bà, sự ngọt ngào mãi trong tình yêu của bố mẹ, chúng con luôn đoàn kết đùm bọc nhau, rồi chị Nghé sẽ vẫn ngoan và đáng yêu như thế, em Mèo Chii chóng lớn hơn. 

Năm mới, thật là thích bố nhỉ! Bố với chị thì điềm đạm đi sau, còn con tung tăng, vung vẩy cái mâm về nhà, con gái lớn mà vẫn như con nít, nhưng con yêu giây phút này lắm bố à! Vì trong vòng tay của bố mẹ chúng con mãi vẫn là trẻ con, những đứa trẻ to xác…

Con thích Tết lắm! dù đã lớn nhưng ngày Tết trong con vẫn như ngày xưa. Ngày xưa nhỏ tí, chỉ biết Tết là được lì xì, được xúng xính trong quần áo mới, được mẹ cho đi hội xuân, được ăn quà… Bây giờ con còn yêu Tết hơn, vì thời gian làm con nhận ra Tết là lúc cả nhà mình được đoàn viên, là lúc bố mẹ, anh chị được nghỉ ngơi thư giãn, một kỳ nghỉ giữa những ngày mùa bận rộn.

Con thích mâm cỗ ngày Tết, không phải vì mâm cỗ thật to, có thật nhiều món ngon, chỉ đơn giản đó là ngày bố với mẹ cùng vào bếp! chỉ vậy thôi, đó là những món ăn ngon nhất cuộc đời!

Mẹ ơi, nhưng sao đôi lúc con lại không mong đến Tết?!
Tết đến rồi Tết lại đi
Chỉ còn lại sợi bạc trên tóc bố
Những vết nhăn trên trán mẹ
Và thật nhiều suy nghĩ trong con…

Cả cuộc đời bố mẹ đã hi sinh vì chúng con, những hi sinh thầm nặng không gì tả hết. Con cám ơn bố mẹ đã đưa con đến với cuộc đời, đã yêu thương con tới ngày hôm nay và dạy con biết yêu cuộc đời. Theo năm tháng chúng con lớn lên nhưng nỗi lo của bố mẹ vẫn chưa bao giờ hết, tình yêu của người vẫn ngày một nhân lên. Lời cảm ơn là không bao giờ đủ, và con biết bố mẹ cũng không cần lời nói đó. 

Suy nghĩ tích cực và sống tốt hơn, được không mẹ?!

Bước sang năm mới con gửi lời chúc ấm áp nhất tới bố mẹ yêu! Chúc bố mẹ của con mãi luôn vui vẻ và mạnh khỏe! con không biết phải nói lên tình cảm của mình thế nào, con sẽ hành động nhé, con hi vọng trong trái tim của bố mẹ chúng con sẽ mãi là niềm vui và niềm tự hào!

Con yêu bố mẹ!

 Gửi từ Trang Tư Vũ <trangtu2510@>

  • TRONG TIM TÔI, TẾT LÀ…                                               
Xe Tết… 
 
Tránh ra tránh ra
Xe xe cộ cộ 
Nép vào nép vào
Now...now...

Giai điệu “5 P.M” nhảy nhót liên hồi trong đầu nó. Không gian như bị khuấy đảo bởi tiếng xe cộ, tiếng còi, tiếng nói cười, la hét, gọi nhau í ới. Loay hoay một hồi, vẻ mặt nó vẫn hiện rõ vẻ bất lực trước đống đồ lỉnh kỉnh nào túi sách, ba lô, quà tết… Thoáng giây mơ mộng, nó muốn “xin một vé đi tuổi thơ” để ước Bụt hiện lên giúp nó đưa “núi đồ” ấy lên chuyến xe quen thuộc. Bỗng, một bàn tay khẽ gõ nhẹ lên vai nó. Quay người,  toàn bộ sự chú ý của nó hướng về phía giọng nói miền Trung ấy:

-    Cần tớ giúp một tay không, cô bạn?

Phút chốc, quên cả việc cần cảnh giác trước người lạ nó gật đầu cái rụp, Theo lời chỉ dẫn, “núi” đồ của nó theo chân cậu bạn lạ hoắc di chuyển nhanh thoăn thoắt về phía chuyến xe quen. Và cũng chẳng kịp hỏi han, cậu bạn mất hút vào đám đông, mang theo lời cảm ơn và câu chúc Tết vội của nó. Nhờ vậy, nó kiếm được một chỗ ưa thích bên cạnh cửa kính. Ngày cuối năm, nó nhận được một “sự giúp đỡ vô danh”.  Tình cờ, cậu bạn ấy đã đánh lên một “phím trắng” trong muôn vàn “phím đen” của “bản đàn cuộc sống” để nó thấy mình may mắn và tin rằng lòng tốt luôn ngự trị ở đâu đó. Cảm ơn nhé, cậu bạn dễ mến !

Gần 1h đồng hồ nữa xe mới xuất bến nhưng khách đã đông nghịt, kín các ghế. Việc ngồi ghép, ngồi ghế nhựa thậm chí là đứng đã không còn xa lạ. Nhưng tuyệt nhiên nó không nghe thấy một lời than vãn, càu nhàu nào chỉ thấy sự háo hức trên từng gương mặt. Có lẽ đơn giản bởi ai cũng hiểu rằng: giáp Tết mà! Một nụ cười nhẹ thoảng trên môi nó.

Không khí trên xe như lắng xuống một chút khi tiếng sáo véo von vang lên từ phía cửa xe. Nó cũng hướng mắt về hướng âm thanh trong trẻo ấy và lặng người trước cảnh tượng một em trai khuyết tật đang dùng những ngón chân của mình tấu lên khúc nhạc ấy. Thoáng chốc, mong muốn dang dở trước kia về việc học sáo của nó được đánh thức. Bài sáo dừng mà nó vẫn cảm thấy âm điệu du dương ấy lắng lại. Cậu bé di chuyển khá khó nhọc tới từng hàng ghế. Hôm nay, cũng khác mọi hôm, các vị khách không ai ngoảnh mặt làm ngơ, họ khẽ bỏ những món tiền nhỏ bé của mình vào chiếc mũ sờn của cậu bé. Tới lượt mình, nó cũng chẳng hề đắn đo khi chia sẻ chút gì đó với cậu bé cùng nụ cười khâm phục. Ngay tại đây, nó cảm nhận được không khí của Sự Cảm Thông đang lan trong không gian xe nhỏ bé. Lòng nó ấm sực!   

Xe nhích dần ra khỏi bến, rời xa Hà Nội – nơi đã gắn bó với nó trong suốt 3 năm sinh viên. Hướng mắt ra phía cửa  kính, nó muốn nhìn ngắm lại nơi “đất đã hóa tâm hồn”, những góc phố, ngả đường đã ghi dấu chân trước khi năm cũ qua đi. Xe lăn bánh trên cầu vượt, nó thu vào tầm mắt với tất cả dấu yêu về ngôi trường HNUE. Đường Phạm Văn Đồng, cái vội vã, tấp nập nhuốm cả vào dòng  xe cộ ngược xuôi hối hả. Bất giác, ánh nhìn của nó bị thu hút vào cảnh sang đường của một đôi bạn. Cậu bạn khoác trên mình bộ cảnh phục bước nhanh sang phía dòng xe đang ùn ùn kéo tới để nhường phần đường an toàn cho cô bạn đi bên đến khi bước chân cô đặt lên vỉa hè phía bên kia đường. Cảnh tượng ấy khiến tim nó khẽ rung lên những kỉ niệm ngọt dịu về một quá khứ chưa xa. Sự chăm sóc ân cần như thế, nó cũng đã từng được nhận. Khoảnh khắc ấy, nó thấy mình hạnh phúc trước Sự Bảo Vệ. Nhưng tất cả cũng chỉ là một “nốt xao xuyến” trong “bản tình ca cũ”, cứ ngân vang trong tâm hồn để cuối cùng đặt lên môi nó một nụ cười nhẹ nhõm mỗi khi nhớ về.

Ngoại ô Hà thành mở ra. Khuất bóng hẳn những tòa cao ốc, dòng xe cũng thưa hơn. Không gian thoáng dần. Hiển hiện trước mắt nó lúc này là dòng sông Hồng sắc nước nâu đỏ uốn lượn ôm lấy bãi bồi. Những cánh đồng không còn xanh mướt như khi nó xuống trường mà ngả vàng gốc dạ vương lại sau vụ mùa. Sắc xanh điểm lại trên những luống rau chờ ngày chợ Tết. Xe lao vun vút. Nhưng nó vẫn kịp nhận ra sắc xuân trong khu vườn trồng hoa bên đường: những quả quất vàng cam tròn trĩnh, căng mọng lẩn khuất trong cành lá xanh thẫm hòa cùng sắc thắm của đào. Chỉ cần vậy, Tết như đang gõ cửa, khiến lòng nó xốn xang. 

Biết bao nhiêu cung bậc cảm xúc chợt về. Sẽ tiếc nuối lắm nếu hôm nay nó không được ngồi bên khung kính xe. Một lần nữa, nó muốn thầm cảm ơn cậu  bạn với “sự giúp đỡ vô danh” ấy.

Mỏi mắt ngắm nghía khung cảnh bên ngoài, ánh mắt nó quay về không gian trong xe. Và, điểm nhìn trụ lại ở hàng ghế trên. Nơi ấy, có một cô bé đang cặm cụi kết nối những sợi len, đan cài những màu sắc và đính kèm bao yêu thương vào một chiếc khăn. Tốc độ ngón đan chưa mau nhưng lại rất cẩn thận và đầy nhẫn nại. Thỉnh thoảng, bờ môi cô bé khẽ nở nụ cười hạnh phúc. Nó đoán, chiếc khăn với gam màu trầm ấy sẽ được giành tặng cho một nửa đặc biệt của cô bé và mùa Tết này hẳn sẽ ấm áp lắm! 

Nó nhớ, mỗi lần bà đan, nó vẫn thường mon men đến bên, ngắm nhìn đầy ngưỡng mộ ngón đan điêu luyện ấy và lắng nghe những chiêm nghiệm về nhân sinh. Bà nói: không gì là hoàn hảo, khi đan cũng vậy. Dù khéo léo đến bao nhiêu cũng khó tránh những mũi đan lỗi. Có người nhận ra thì tháo gỡ, sửa chữa. Nhưng cũng lắm khi trên sản phẩm len, những mũi lỗi ấy vẫn nằm nguyên bởi người đan không nhận ra hay cố ý bỏ qua hoặc không còn đủ kiên trì với những mũi đan của chính mình? Những khuyết điểm ấy, có lẽ, chỉ người đan là biết rõ nhất và dễ nhận ra nhất. Và cũng chỉ có họ mới có thể sửa chữa kịp thời những mũi lỗi hoặc để nó mãi nằm yên. Trong cuộc sống của mỗi người phải chăng cũng có sự đồng điệu ấy. Có những sai lầm sẽ mãi hiện hữu tựa những mũi đan lỗi như một lời gợi nhắc của quá khứ. Nhưng nếu có thể hãy tận tụy và kiên trì hết sức sửa chữa nó để không phải tiếc nuối. … Ở tuổi 85, nghệ thuật vẫn hiện hữu qua những ngón đan của bà. Và ở đó, nó biết thêm về một “bí ẩn” mang tên: Triết lí đan len!

Bình yên nhất là… 

Khách trên xe thưa dần. Sắp tới cuối bến và chỉ một lát nữa thôi nó sẽ vui vẻ nói cười bên những người thân yêu. Chỉ cần nghĩ tới điều đó thôi, nó đã cảm thấy mỏi mệt tan biến. Xe vẫn bon bon chạy. Và từ phía xa, nó đã nhìn thấy tấm biển xanh nổi bật với dòng chữ trắng: “Thành phố Lạng Sơn kính chào quý khách!”. Có lẽ đây chính là hình ảnh mà nó ngóng đợi nhất sau bốn tiếng đồng hồ trên xe Tết. 
Thành phố đã lên đèn. Nó bắt gặp cái lung linh đầy yêu thương và thân quen của những ngả đường, những góc phố đã thuộc nằm lòng. Những chiếc xe máy đi ngang mang theo những cành đào, những chậu quất, mang xuân về với từng gia đình. Lòng nó vui lạ! Xe dừng. Nó không quên nở một nụ cười thật tươi kèm lời chúc Tết cho anh phụ xe với chiếc răng khểnh rất duyên trước khi chào tạm biệt.

Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó!

Bước xuống xe, từ phía bên kia đường, nó đã nghe thấy giọng nói trầm ấm của bác hàng xóm:

-    Cô sinh viên về rồi đấy à cháu!

Nó cười toe đáp lời. Ánh mắt bác cũng như đang cười với nó đầy trìu mến. 

Hôm nay, nó không gọi người nhà ra đón như mọi khi. Nó thở hổn hển, đặt phịch đồ đạc trước cổng. Không bấm chuông, như muốn dành cho cả nhà một bất ngờ, nó rón rén đến bên khung cửa sổ. Mắt mở to trước khung cảnh bên trong: Những tàu lá dong xanh bày trên mâm, gạo nếp cái trắng muốt, thịt lợn và đỗ xanh… Bà, mẹ và chị gái nó đang gói những chiếc bánh chưng đầu tiên cho mùa Tết năm nay. Năm nào cũng vậy, mỗi độ xuân về bà luôn thủ thỉ với con cháu rằng: “Ngày xưa, mẹ của bà luôn nói, dù giàu dù nghèo, mỗi năm Tết đến đều gắng tự gói bánh chưng để cho con cháu sau này biết cách mà làm”. Và cứ thế, cho tới tận bây giờ, gia đình nó vẫn duy trì điều đó. Chỉ khi nhìn bà với mái tóc bạc lơ phơ chăm chút, tỉ mỉ, cẩn thận gói từng chiếc bánh chưng nó mới thấy không khí Tết thật sự đã phủ ngập không gian, mới thấy vị Tết đủ đầy. 

 Đứng lặng, có lẽ chỉ lúc này nó mới có thời gian dừng lại để ngắm kĩ những người phụ nữ trong gia đình nhỏ của nó – những người luôn yêu thương vô điều kiện và truyền cho nó nghị lực sống. Nếu như FAMILY với bao người sẽ là: Father, Mother and I Love You thì với nó, trong căn nhà từ lâu đã vắng bóng cha, gia đình vẫn trọn vẹn ý nghĩa, vẫn mãi là yêu thương, vẫn mãi là chốn yên bình nhất để nó tìm về bất cứ lúc nào. Với nó, FAMILY giờ là GAMILY: Grandmother, Mother and I Love You!

Nó đẩy cửa bước vào. Những nụ cười, tiếng đón chào rộn rã… Đó là Hạnh Phúc của Sự  Sum Vầy. Xuân đã về, Tết đã tới. Và năm nay, nhất định nó sẽ học gói chiếc bánh chưng đầu tiên…

  • Gửi từ chuluyenlvt@

1 comment to '' Blog Radio 272: Tết và hạnh phúc sum vầy "

ADD COMMENT