Mới nhất

Những cảm nhận về đất nước, văn hóa và con người Lào….

By phantuanduy - Wednesday, September 19, 2012 No Comments

 
    Việt Nam và Lào là hai quốc gia trên bán đảo Đông Dương, hai nước láng giềng anh em, cùng tựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, có quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời. Với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã kề vai, sát cánh, cùng chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, để lại những kinh nghiệm quý báu về một mối quan hệ hữu nghị, đặc biệt trong sự nghiệp giải phóng và phát triển của mỗi quốc gia.
     Nước Lào, trước đây còn gọi là Vương quốc Lạn Xạng, “Lạn” tiếng Lào là triệu, “Xạng” là voi. Lạn Xạng có nghĩa là Triệu Voi. Được mệnh danh là Miền đất Triệu Voi- Lào nằm ở nơi giao hội của hai nền văn minh vĩ đại và hùng mạnh nhất châu Á là Ấn Độ và Trung Hoa, người dân Lào đã hấp thụ những phong tục và tín ngưỡng của hai nền văn minh ấy để hình thành nên một nền văn hóa đặc sắc của riêng mình hết sức độc đáo. Nền văn hóa Lào là nền văn hóa Phật giáo. Đạo Phật đã ăn sâu vào tư tưởng của người Lào, ảnh hưởng này được phản ánh trong ngôn ngữ và nghệ thuật, tạo nên một dân tộc Lào rất riêng. 
      Với dân số khoảng 7 triệu người và có tới 1.400 ngôi chùa lớn nhỏ, Lào là nước có tỉ lệ chùa so với dân số cao nhất thế giới,
90% dân số theo đạo Phật. Đạo Phật được truyền vào xứ Lào trong triều vua Dvaravati vào thế kỷ thứ 7, và từ thế kỷ 14 Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Người dân Lào đã thấm nhuần trong mình những lời Phật dạy, một mực kính trọng các bậc tăng ni, những vị sư sãi trong chùa. Với dân số khoảng hơn 6 triệu người và có tới 1.400 ngôi chùa lớn nhỏ, Lào là nước có tỉ lệ chùa so với dân cao nhất thế giới. Chùa gắn liền với trường học, gắn cả với đời, sư  sãi ăn uống bình thường như dân dã. Phật tử Lào thường tích đức bằng nhiều hoạt động gọi là Thiện Nghiệp. Vào những dịp lễ hội, Lào hấp dẫn khách du lịch và các Phật tử đến tham quan, tìm hiểu Phật giáo không kém gì xứ sở chùa vàng – đất nước láng giềng Thái Lan.  Chùa chiền, đền tháp là nơi gắn bó cả đời với người Lào, cũng là chất keo cộng đồng gắn kết các bộ tộc Lào lại với nhau- chất keo văn hoá Phật giáo. Chùa chiền với những mái ngói uốn cong nhiều dáng vẻ còn là biểu hiện sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và thẩm mỹ của người Lào. Lễ hội gắn với chùa chiền, chùa chiền gắn liền với làng b
ản, là nơi để mọi người gặp gỡ, vui chơi và múa hát, góp phần tạo nên bản sắc văn hoá Lào trường tồn, lung linh và quyến rũ.
       Lào là đất nước bốn mùa lễ hội. Lễ hội ở Lào hay được gọi là Bun. Nghĩa đúng của Bun là phước. Làm Bun nghĩa là làm phước để được phước. Cũng như các bước trong khu vực Đông Nam Á, lễ hội tại đất nước Lào cũng chia làm 2 phần, phần lễ và phần hội. Lào là xứ sở của lễ hội, tháng nào trong năm cũng có. Mỗi năm có 4 lần tết: Tết Dương Lịch, Tết Nguyên Đán (như ở một số nước Á Đông), Tết Lào (Bun PiMay vào tháng 4) và Tết H'mong (tháng 12). Ngoài ra còn các lễ hội: Bun PhaVet ( Phật hóa thân) vào tháng 1 ; Bun VisakhaPuya (Phật Đản) vào tháng 4; Bun BangPhay (pháo thăng thiên) vào tháng 5; Bun Khao PhanSa (mùa chay) vào tháng 7; Bun Khao Padapdin (tưởng nhớ người đã mất) vào tháng 9; Bun Suanghua (đua thuyền) vào tháng 10. Cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á, lễ hội tại đất nước Lào cũng chia làm 2 phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ là phần nghi thức do chính con người đặt ra để giao cảm với thần linh và phần hội chủ yếu là vui chơi, giải trí. Lào có tết cổ truyền Bunpimay (có nghĩa là mừng năm mới), hay còn gọi là Tết Té nước diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 4 hàng năm. Vì đạo Phật ở Lào có từ lâu đời, phát triển mạnh trở thành quốc đạo, các nhà chiêm tinh học tính ngày tháng theo phật lịch, nên năm mới hàng năm bắt đầu vào tháng tư dương lịch. Người Lào gọi tết là vui tết chứ không gọi là ăn tết, tất cả các cuộc vui được chuẩn bị theo truyền thống tôn giáo, phù hợp với phong tục tập quán của người Lào. 
     Trong dịp lễ hội, vui chơi là chủ yếu, tuy nhiên họ cũng chuẩn bị đồ ăn, thức uống thịnh soạn hơn ngày thường, đặc biệt là không thể thiếu rượu. Ngày tết từ sáng sớm dân làng diện những bộ đồ đẹp nhất, với màu sắc sặc sỡ, tập trung tại sân chùa để dự lễ tắm Phật. Xong lễ tắm Phật, mọi nhà làm lễ buộc cổ chỉ tay cho những người thân trong nhà, tục lễ này gọi là pục khén hay còn gọi là xù khoắn, lễ gọi hồn vía. Nhân dịp đầu năm con cháu chúc ông bà, cha mẹ, bạn bè, người thân gặp may mắn hạnh phúc. 
     Cũng vì lẽ đó, lễ mừng năm mới còn gọi lễ té nước (gọi là bun hốt nậm), trong những ngày lễ, thanh niên nam, nữ thường té nước cho nhau vừa chúc mừng nhưng cũng vừa để tỏ tình. Bun hốt nậm còn có ý nghĩa về chuyện chuyển năm và cũng là chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa; sau những tháng ngày hanh khô, những cơn mưa rào ập đến mang nước mát tưới cho núi rừng, cỏ cây, ruộng đồng, màu xanh tươi mát của chồi non vụt nhú lên báo hiệu một mùa làm ruộng, rẫy mới. Người dân té nước để cầu may, cầu bình yên cho cả năm, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. 
     Vào những ngày lễ hội, mọi người thăm viếng chúc tụng lẫn nhau, ăn uống, vui chơi, múa hát cầu mong quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc, người người ấm no… Với người Lào, những phong tục trong lễ hội Bunpimay mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no, hạnh phúc cho cuộc sống, là dịp để nuôi dưỡng và hun đúc nghệ thuật dân tộc.
     Trong ý nghĩ chúng ta, người Lào anh em rất gần gũi và hầu như không gặp trở ngại gì lớn trong văn hóa và giao tiếp. Tiếp xúc nhiều, thực tế đó càng rõ hơn, người Lào và những thứ thuộc về họ rất tuyệt.  Dường như trong những nét văn hóa Lào ta cũng cảm nhận được nét tương đồng với đất nước chúng ta.
     Chăm pa (hoa đại) là một loài hoa biểu tượng của đất nước và con người Lào. Mang đậm một bản sắc riêng biệt, hương sắc ngào ngạt của hoa chăm pa phản ánh rõ tính cách, tâm hồn của dân tộc Lào, với những con người có một vẻ đẹp giản dị, chan hoà và chất phác, thật thà. Đối với người dân Lào, chăm pa đại diện cho sự chân thành và niềm vui trong cuộc sống. Loài hoa này thường được sử dụng để trang trí các nghi lễ hoặc làm thành vòng hoa chào đón khách. Hoa chăm pa được trồng phổ biến trên toàn lãnh thổ lào, đặc biệt là gần khu vực các tu viện. Người dân Lào thường trồng hoa chăm pa để tô điểm cho vẻ đẹp thanh bình êm ả của đất nước và sống động hơn trong không khí hội hè. Đến với đất nước Lào là đến thăm đất nước hoa chăm pa xinh đẹp. Hạnh phúc biết bao khi được các cô gái choàng lên cổ vòng hoa chăm pa, buộc vào cổ tay vòng chỉ cầu mong phúc lành, say sưa không muốn dứt trong những điệu múa lăm vông dưới bóng cây chăm pa. 
     Văn hoá Lào như một dòng chảy ngọt ngào đời này qua đời khác, hun đúc nên tâm hồn, cốt cách và văn hoá của người Lào. Qua thời gian, được kết tinh ở những phong tục văn hoá đẹp đẽ như Tết Té nước để giải trừ mọi lo âu phiền muộn; buộc chỉ cổ tay chúc phúc người thân, chúc phúc khách quý, bạn bè... đó là mỹ tục độc đáo và hiếm có. Và hoà cùng với tiếng chiêng, tiếng khèn, điệu lăm vông mềm mại uyển chuyển làm say đắm lòng người, như mời gọi, như níu giữ bước chân du khách đã đặt chân đến đất nước Lào là không muốn rời xa. 
     Đất nước Lào có nhiều công trình lịch sử văn hoá, có thiên nhiên tươi đẹp, có nhiều cảnh quan kỳ thú như Thạt Luổng (Viêng Chăn), cố đô Luông Phra-băng (di sản văn hoá thế giới), chùa Vạtxixun, núi Phú Xỉ, Cánh Đồng Chum huyền bí (Xiêng Khoảng), thác Khôn, thác Quang Xi, Hang Thẳm tình... 
    Con người Lào xưa nay được biết đến với sự hiếu khách, giản dị và gần gũi. Tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều sinh viên Lào đang học tập tại Việt Nam, họ quả là những công người hết sức tốt bụng và vui vẻ, tất cả làm nên hình tượng tốt đẹp về con người Lào nói chung. Hình tượng con người xứ Triệu voi.
     Đất nước, con người và nền văn hoá Lào là đang mang trong mình nguồn sức mạnh vô biên, ẩn chứa biết bao điều kỳ diệu, đó chính là tiềm năng và là nguồn nội lực to lớn. Tiềm năng và nguồn lực to lớn đó đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào trân trọng, giữ gìn, bồi đắp và phát huy trong thời đại mới, thời đại hội nhập và phát triển. 
     Tình đoàn kết, hữu nghị, sự kề vai, sát cánh của nhân dân ba nước Đông Dương, đặc biệt là mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, đặc biệt của nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam "cùng chung chiến hào" chống kẻ thù xâm lược, được thử thách qua thời gian, ngày càng thấm đẫm tình nghĩa thuỷ chung, “sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định.
                                       http://tuyengiao.vn/Home/Viet-Lao/Tu-lieu-lich-su.aspx
                                      http://www.dulichlao.com
                                                

No Comment to " Những cảm nhận về đất nước, văn hóa và con người Lào…. "