Mới nhất

Lịch sử ngày tết trung thu

By phantuanduy - Sunday, September 15, 2013 2 Comments
Lịch sử ngày tết Trung thu (15- 8 âm lịch)
        Hàng năm tết Trung thu đến với chúng ta vào rằm tháng 8 âm lịch, thiếu nhi đón tết có những đèn xếp, đèn lồng sặc sỡ thắp sáng kéo nhau thành từng đoàn vui reo ca hát. Tối tối cùng nhau vui chơi đi khắp thôn xóm. Khi ngày rằm tới, có những đám múa lân rầm rộ với tiếng trống thanh la kèm theo tiếng pháo.
Vậy tết Trung thu là gì? Trung thu là giữa mùa thu, tết trung thu như tên gọi đến với chúng ta đứng giữa mùa thu, mùa mát mẻ đẹp đẽ nhất trong năm với trăng trong gió mát.
Theo sách cổ thì tết Trung thu bắt đầu từ đời nhà Đường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh.
Tục truyền rằng: Nguyên năm đó, vào đêm rằm tháng tám trời thật là đẹp, trăng thanh gió mát trước cảnh đẹp của đất trời, nhà vua ngự chơi ngoài thành tới mãi khuya. Lúc đó có một ông già đầu bạc phơ trắng như tuyết, chống gậy đến bên nhà vua. Trông người và theo cử chỉ, nhà vua đoán ngay là một vị thượng tiên giáng thế.
Ông già kính cẩn chào vua rồi hỏi: Bệ hạ có muốn lên thăm cung trăng không?
Nhà vua trả lời có.
Ông tiên liền đưa chiếc gậy lên trời, hoá phép ra một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, còn một đầu ăn xuống đất. Tiên ông đưa nhà vua lên cầu vồng, chẳng bao lâu đã đến cung trăng. Phong cảnh nơi đây thật là đẹp, một vẻ đẹp khác xa nơi trần thế, có những nàng tiên nữ nhan sắc với những xiêm y cực kỳ lộng lẫy, xinh như mộng, đẹp như những bài thơ hay, nhảy múa theo những điệu vô cùng quyến rũ, đủ muôn hồng ngàn tía.
Nhà vua đang say sưa với những cảnh đẹp thì tiên ông lại đưa nhà vua trở lại cung điện. Về tới trần thế, nhà vua còn luyến tiếc cảnh trên cung trăng và những giờ phút đầy thơ mộng nhà vua đã được ở nơi đó. Để kỷ niệm ngày du nguyệt điện, nhà vua đặt tên là tết Trung thu.
Tết Trung thu trước kia là tết của người lớn, nhưng sau trở dần biến thành tết của thiếu nhi với những cuộc vui trong ngày tết như rước đèn, thi cỗ và thi đèn, múa sư tử, cắm trại, dạ hội.vv… Trong dịp này, người lớn và các đoàn thể, các tổ chức đặc biệt săn sóc tới trẻ em.
Trong dịp này, các trẻ em côi cút, tàn tật, gặp nhiều khó khăn được các tổ chức từ thiện, các đoàn thể đến tận nơi phân phát đồ chơi, quà bánh, nhất là đèn giấy và bánh trung thu để các em không được may mắn này cũng có một tết Trung thu như các em khác.
Sau Cách mạng tháng tám, Bác Hồ gửi thư cho học sinh nhân ngày khai trường 9-1945 (Ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nay là nước cộng hoà XHCN Việt Nam). Đặc biệt nhân dịp tết Trung thu độc lập đầu tiên 1945, Bác Hồ đã gửi thư và nói chuyện với thiếu niên nhi đồng trong đêm Trung thu đó:
''Trung thu trăng sáng như gương,
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng''.
(Trích ''Những năm tháng và sự kiện lịch sử''- NXB Thanh niên, Hà Nội- 1996)

2 comments to '' Lịch sử ngày tết trung thu "

ADD COMMENT